Quán nằm trong một hốc kẹt trên đường Mạc Đĩnh Chi, quận 1. Ở đó có món bún cá bè cam nấu với bí đỏ – món truyền thống của Đà Nẵng nhập cư vào Sài Gòn với nước dùng khá là ngon.

Nói đến cá bè người ta thường nghĩ ngay đến Đà Nẵng với một loạt gồm bè cam, bè cu, bè lão, bè chang – giống như từng “đoàn thể” riêng ở một vùng biển cá có quyền tự do lập hội. Lý giải những cái tên này tại sao gọi bè này bè kia quả là khó. Chỉ biết sở dĩ gọi cá bè lão vì hai bên miệng nó có sợi râu dài. Và vì có râu dài nên gọi là lão… Còn những bè còn lại đành chịu. Thực ra, thịt cá bè không được ngồi chung chiếu thượng hạng với cá mú, cá bớp. Chỉ tầm tầm bậc trung. Theo đánh giá chủ quan của tôi, chúng còn không ngon bằng nhóm cá ngừ, chù, chấm, nục. Được cái thịt trắng, bắt mắt.

saigonmonanhocket-01

Ở đây chỉ nói đến món bún cá bè cam nấu với bí đỏ. Để có nước dùng ngọt thanh tân, cá phải tươi. Nhưng với những món ăn nhập cư Sài Gòn khó có thể có con cá như ta ngồi ăn ở các hàng quán hết sức bình dân ở ngay tại bản địa Đà Nẵng của chúng. Vậy mà tối hôm tôi đến quán vẫn đông. Nó nằm trong một con hẻm mà chiều rộng chừng hơn một thước. Khiến người ta không mấy ai nghĩ rằng trong đó lại có một cái quán. Đã vậy khách mới đến lần đầu khá nhiều – dễ dàng nhận ra khách mới vì những người khách này chạy thẳng xe vào quán và được giới thiệu lui xe ra gởi ở một tiệm làm đẹp cách đó một hai căn, chiều ngược trên đường một chiều Mạc Đĩnh Chi. Người ăn quen sẽ biết chỗ gửi xe để không chạy vào hẻm rồi quay ra.

Trong cái tô bún cá, bạn sẽ bắt gặp lại những trái ớt xiêm xanh, cay vừa, nhưng thơm của những quán ăn ở miền Trung. Nhưng chỉ là một bản sao ớt, chớ không phải chở từ ngoải vào. Rồi còn kèm dĩa rau cải non và giá. Một sự cân bằng giữa thực phẩm rau xơ, bún bột, cá đạm, tuy rau không phong phú bằng những dĩa rau mênh mông ở quê nhà. Nhưng nội nhiêu đó cũng đưa ta về lại thứ cảm thức như dòng sông mà không ai có thể tắm hai lần nhưng chỉ có thể tắm bằng trí nhớ. Lại có một sự đa sắc màu trong cái tô bún cá cam chiều hôm ấy: xanh rau và ớt, trắng cá, vàng bí và đỏ cà chua. Tôi nghĩ có lẽ sự đa sắc màu này đã được những người sáng tạo ra món bún tính trước.

Nước dùng ở đấy ngọt và thơm, cố ngửi cho ra mùi xương heo nhưng không thấy. Nên tự nhiên thấy tô bún mang cái sắc thái của phản thường so với những tô bún cá mà nước dùng hầm từ xương gia súc. Mà phản thường là một trong những cái ập về chứ không đều đều chảy vào người tiếp nhận nó, như mỗi ngày ở Sài Gòn họ tiếp nhận tất cả những món ăn có nước dùng. Miếng cá hôm ấy cũng khá là tươi, thịt vẫn còn chắc, có độ béo vừa phải.

Với những không gian trong hốc kẹt như vầy, mà cá đạt độ dai so với mấy cái quán lớn bán đủ thứ cá, nhưng nồi lẩu dọn ra, cá thịt bủn đến nỗi các lỗ chân lông nổi sần, như cái quán hoành tráng mới mở trên đường Lý Văn Phức. Đã hốc kẹt rồi, ghế bàn lại thấp, đông ken, muốn di chuyển qua các lối đi phải xin lỗi rồi phải rướn đặng qua. Nhưng không nhếch nhác. Cũng đủ để cho ta kết luận: Sài Gòn hốc kẹt đôi khi ngon lành hơn Sài Gòn hoành tráng cái mã bề ngoài. Hôm đến lần đầu tiên, tôi còn không tự tin khi nghĩ rằng trong cái hẻm chật như thế lại có quán xá nổi tiếng, phải hỏi thăm ông lão đứng phía trước con hẻm, mới chắc chắn để quẹo xe vào. Và từ đó, ta rút ra một điều ở cái xứ mà mỗi lần về cố hương đều nặng nỗi hoài tha hương – Sài Gòn – không thể khẳng định rằng nhỏ là không ngon.

Nhưng những người thường ăn ở hốc kẹt này lại có vẻ chuộng hơn món mì Quảng bà Dzũ của quán. Có vẻ như những người từng ăn mì Quảng ở đây thường xuyên quay lại.